Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

Mùa sen tháng 6 năm 1957: Bác Hồ về thăm quê sau 51 năm xa cách

Năm 1906, khi 16 tuổi, Nguyễn Tất Thành lần thứ hai theo cha rời Nghệ An vào Huế. Năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn – Gia Định), Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Văn Ba xuống tàu, bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước. Đến năm 1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Tất Thành, lúc này đã là Nguyễn Ái Quốc, quay trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạngphong trào cách mạng và giành độc lập, tự do cho dân tộc vào năm 1945.

Mãi đến năm 1957, Bác mới có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An sau 51 năm xa cách. Đó là ngày 16/6/1957, với bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su, Bác Hồ về quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Khi về quê, một vị lãnh đạo địa phương mời Bác vào nhà khách để nghỉ. Bác cười hiền từ: “Nhà khách là dành để tiếp khách, Bác là người nhà…”

Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (1957) trong niềm hân hoan của bà con chòm xóm

Nói rồi, Bác đi theo lối nhỏ về nhà của gia đình ngày xưa. Đến đầu cổng tre thấy một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”. Nhìn tấm bảng xong, Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo: “Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”. Mọi người đáp: “Dạ, thưa Bác, đúng ạ. Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác khi đậu Phó bảng năm 1901”. Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Bác bước đến gian thờ cúng gia tiên. Nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: “Hồi xưa, nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc…”.

Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu

Rồi Bác đi ra nhìn quanh sân, vườn, Bác nói với mọi người: “Ngày trước, ở vườn có cây ổi đào, cây bưởi và hàng cau rất đẹp” .Thấy Bác nhìn vườn khoai trước nhà, một vị cán bộ có ý xin Bác cho trồng thay khoai bằng hoa cho đẹp. Bác liền cười bảo: “Hoa khoai vẫn đẹp…”. Ra phía sau nhà, một cụ già hàng xóm bước ra chào Bác và hỏi: “Bác còn nhớ tôi không?”. Bác lấy tay vỗ trán một lúc, nói: “Có phải Điền không”?. Ông Hoàng Điền chạy lại ôm lấy người bạn chăn trâu, thả diều thuở ấu thơ, và khóc vì quá xúc động.

Sau đó, Bác ra nói chuyện với đồng bào, mở đầu bằng một câu thơ: “Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” với giọng trầm ấm của người gốc xứ Nghệ. Bác Hồ bùi ngùi nhớ lại khi ra đi quê hương còn nô lệ, nay trở về rất đỗi vui mừng vì đất nước được tự do, đồng bào no ấm. Bác dặn dò: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”.

Nhiều người dân xúc động không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu đậm trong trái tim vị lãnh tụ, dù xa nhà đã hơn 50 năm. Trước khi lên ôtô, Bác Hồ tặng 5 gói trà Ba Đình cho các cụ và mấy gói kẹo Hà Nội cho các cháu thiếu nhi trong làng.

Bác Hồ trò chuyện với bà con trong lúc về thăm quê

Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Phấn khởi trước sự họp mặt đông đủ các tầng lớp nhân dân, Bác đọc câu thơ: “Chúng ta đoàn kết một nhà/ Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”. Sau đó, Bác nói: “Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là: Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!”.

Ngày 18/12/1961, Bác Hồ còn về thăm lại quê hương Nghệ An một lần nữa. Tuy nhiên, ấn tượng về người con quê hương về thăm quê giản dị, mộc mạc, chân tình đã in đậm trong tâm trí người dân Nghệ An, nhất là người dân Nam Đàn lúc bấy giờ. Hình ảnh Bác Hồ về thăm quê trở thành một hình ảnh đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo với bài học quý báu: “Học theo Bác từ những điều giản dị”.

Tùng Linh – Ban Tổ chức Kiểm tra Tỉnh đoàn Nghệ An

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT