Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Những luận điệu “trấn áp, bắt bớ trước đại hội đảng” là vu khống, bịa đặt

Đã từ lâu, chuyện những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam bị khởi tố, bị bắt thường bị các thế lực thù địch vu khống, bịa đặt để quy chụp cho công an và chính quyền.

Tùy thuộc vào thời điểm khác nhau, bối cảnh xã hội khác nhau, các thế lực thù địch thường “gắn mác” cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật bị khởi tố, bị bắt, bị xử án theo quy định của pháp luật Việt Nam là những “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền”, những “tù nhân lương tâm”…

Thời gian gần đây, trước những vụ việc một số người vi phạm pháp luật, như: “Chống người thi hành công vụ”, “gây rối trật tự công cộng”, “vu khống, bịa đặt”… bị cơ quan chức năng ra lệnh bắt, khởi tố thì các thế lực cơ hội, thù địch lại bịa đặt cho rằng việc khởi tố, bắt tạm giam ấy là những cuộc “trấn áp, bắt bớ” nhằm mục đích “dọn sạch môi trường trước đại hội đảng”. Điển hình là vụ công an bắt Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Thị Tâm. Cả 4 bị can đều bị điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vậy Trịnh Bá Phương là ai và tại sao được các thế lực cơ hội, thù địch vồ vập đến như vậy? Phương có phải là “nhà hoạt động” như họ đã “gắn mác” không? Trên không gian mạng, chúng tôi chú ý đến một số ý kiến cho rằng “Phương đang được (các thế lực cơ hội, thù địch) xây dựng như một con bài thay thế”.

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Gia đình Trịnh Bá Phương trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Trong quá trình xây dựng khu đô thị mới thì gia đình Phương nằm trong diện giải tỏa. Xuất phát từ lợi ích cá nhân, Phương đòi hỏi phải đền bù với giá đất cao hơn khung giá bình thường. Đây là một đòi hỏi vô lý, không có cơ sở nên không được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chấp nhận. Vì thế sau đó Phương cùng một số cá nhân tổ chức khiếu kiện thường xuyên. Khi khiếu kiện không được thì quay ra nói xấu chế độ, chống đối chính quyền. Phương lập các trang mạng, đưa những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền và những người thực thi công vụ. Và khi vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra, trên mạng xã hội, Phương đã tự cho mình như một nhà hoạt động vì Đồng Tâm, đại diện cho “dân oan” và trở thành một “nhà truyền thông chủ lực” cho nhóm chống đối chính quyền và lực lượng chức năng ở Đồng Tâm. Trịnh Bá Phương đã đưa lên mạng xã hội các bài viết về sự việc Đồng Tâm nhằm kích động dư luận. Hơn ai hết, Phương rất hiểu việc mình làm là vi phạm luật pháp Việt Nam từ sau vụ việc Đồng Tâm. Vì vậy, từ tháng 3-2020, Phương đã chủ động liên hệ và làm thủ tục với văn phòng luật sư để bảo vệ mình nếu trường hợp lâm vào cảnh lao lý…

Trên các trang mạng xã hội, một số người trong và ngoài nước có chính kiến đúng đắn và khách quan đã nói thẳng ra rằng, Trịnh Bá Phương đã có liên lạc với các tổ chức phản động để chống đối Nhà nước Việt Nam, vì vậy khi Phương bị bắt, đã có một số tổ chức, cá nhân đứng ra “vận động gây quỹ” ủng hộ gia đình Phương. Và, họ khẳng định các thế lực phản động đang muốn xây dựng Phương như một “con bài mới”. Các thế lực thù địch đã nhận ra rằng những con bài cũ như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… đã hết giá trị lợi dụng, nên rất cần một kẻ đóng thế khác!

Vậy thì Phương bị công an bắt có phải vì mục đích “dọn sạch môi trường” trước đại hội đảng như những thế lực thù địch đã rêu rao không? Còn nhớ, sau khi vụ việc Đồng Tâm xảy ra, luật sư Hoàng Duy Hùng, một luật sư người Mỹ gốc Việt đã nói trên YouTube đại ý rằng: Ở Mỹ, ai mà xâm phạm vào đất đai quốc phòng thì bị bắt ngay lập tức, không như ở Việt Nam, chính quyền phải ra sức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục… Nhiều khán giả cũng nhớ, một Việt kiều có tên là Phong Nguyễn nói trên kênh “Nửa vòng trái đất TV” sau khi gia đình Phương bị bắt, đại ý: An ninh Việt Nam là an ninh nhân dân, không có gì qua mắt nhân dân được. Khi một số thành viên thuộc gia đình Phương bị bắt có nghĩa là các hành vi của họ đã cấu thành tội phạm. Như vậy là để khẳng định việc Trịnh Bá Phương và một số đối tượng khác bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam là đúng người, đúng tội, không thể là vì “dọn sạch môi trường trước đại hội đảng”.

Cũng luận điệu vu khống, bịa đặt ấy, gần đây lợi dụng báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Công an đã vào cuộc điều tra nhiều dự án bất động sản ở tỉnh Bình Dương thì một số đối tượng đã xuyên tạc: “Bộ Công an vào cuộc vì tham nhũng hay… đại hội đảng?”. Chuyện là, khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ, tài liệu để làm rõ dấu hiệu sai phạm ở nhiều dự án bất động sản tại TP Thuận An và Dĩ An, họ đã đặt câu hỏi và cũng chính họ bịa đặt rằng những sai phạm ấy cách đây đã 5-6 năm, nhưng chỉ đến bây giờ khi quy hoạch nhân sự cho đại hội đảng thì Bộ Công an mới quan tâm và chỉ đạo C03 điều tra xử lý!

Chúng tôi cho rằng, những người mượn vụ việc để bịa đặt và hướng dư luận hiểu theo ý đồ xấu độc của họ, họ chắc chắn hiểu rằng việc điều tra chống tham nhũng không phải phát hiện ra là làm ngay được. Để phanh phui ra vụ việc và chỉ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cơ quan chức năng và người làm công tác điều tra phải tốn nhiều thời gian và công sức, đây là việc thường gặp đối với các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Hiện nay, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đã trở thành sinh hoạt chính trị sâu rộng và thường xuyên trong các cơ sở đảng. Thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, soi vào chức trách, trách nhiệm cán bộ, đảng viên đã phát hiện những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Không ít cán bộ, đảng viên đã bị Đảng xử lý kỷ luật với các hình thức khác nhau…

Vậy mà họ, những thế lực cơ hội, thù địch, những người bất mãn với chế độ… đã bịa đặt ra rằng Đảng đang lợi dụng chống “tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa” để bắt bớ, trấn áp, khai trừ những đảng viên “không thuộc phe nhóm”, “không nằm trong quy hoạch” của Đảng. Nhóm những người này cho rằng, những đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, bị khai trừ khỏi Đảng vừa qua là những người “cùng chung số phận” với những đảng viên có “suy nghĩ cấp tiến” như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, Chu Hảo…

Trên trang mạng “Tivi tuần san”, một trang mạng ở hải ngoại sặc mùi phản động, trong bản tin ngày 2-7 đưa tin, cứ đến đại hội thì Đảng Cộng sản Việt Nam lại gia tăng bắt bớ, đàn áp những người tranh đấu. Cùng giọng điệu ấy trên trang “Tiếng dân” ngày 13-7 cũng lu loa lên rằng: “Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, một bầu không khí ngột ngạt lan khắp cả nước…”. Những luận điệu vu khống bịa đặt ấy rõ ràng là không mới lạ, nhưng lại rất thâm độc. Sự vu khống, bịa đặt cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác. Vì vậy, có những người do không hiểu biết hoặc vô tình đã tiếp tay tuyên truyền những luận điệu vu khống, bịa đặt ấy cho người khác.

Người viết bài này muốn nhắc lại một điều chưa cũ, đó là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, phần lớn mỗi người đều có một chiếc điện thoại thông minh cầm tay. Và đó cũng chính là phương tiện hữu hiệu nhất mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng. Bởi vậy chúng ta-những người xem, người nghe, người sử dụng điện thoại thông minh, trước hết phải là người sử dụng thông minh. Phải học cách nhận biết được thông tin thật và giả, đúng và sai, hết sức thận trọng, cân nhắc trước khi nhấn nút “like” và “share” đối với các thông tin mà mình cảm thấy chưa tin cậy.

HỒ NGUYỄN/QĐND

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT