Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

Trà Vinh quan tâm nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo

Tỉnh Trà Vinh có dân số trên 01 triệu người, có 03 dân tộc chính: Kinh, Khmer, Hoa (dân tộc Khmer chiếm trên 32% dân số). Tỉnh có nhiều tôn giáo, trong đó có các tôn giáo có số lượng tín đồ nhiều như: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo, 373 cơ sở tôn giáo, 4.373 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 596.000 tín đồ, chiếm 59,1% dân số toàn tỉnh. Tỉ lệ người dân là tín đồ các tôn giáo cao trên 59% dân số.

Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội mang lại hiệu quả thiết thực cho quần chúng tín đồ tôn giáo, đẩy mạnh việc áp dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ, quan tâm tới việc nâng cao dân trí, giúp đồng bào có đạo làm ăn hiệu quả. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo; quân tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật; giúp đồng bào tôn giáo nâng cao trình độ về mọi mặt, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa – xã hội ở địa phương.

Để đảm bảo tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của mọi người, tạo điều kiện cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trên cơ sở pháp luật, phát huy các nhân tố tích cực, giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của các tôn giáo. Tỉnh ban hành nhiều văn bản để cụ thể và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo; ban hành quy định hỗ trợ cho tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo hoạt động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ nguồn ngân sách nhà nước. Không ngừng cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong cấp giấy phép xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, gần gũi với các chức sắc, những người có uy tín trong tôn giáo để phát huy vai trò người có uy tín trong tôn giáo trong tuyên truyền, vận động, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân nói chung và cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo nói riêng. Hàng năm, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các ngành chức năng và địa phương tổ chức nhiều lớp tuyên truyền chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho chức sắc và tín đồ của các tôn giáo, như: Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; thông tin về chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; về tình hình biên giới – biển đảo; phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm và an toàn giao thông, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Để đồng bào có đạo nắm rõ tình hình, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; chủ động thông tin, tuyên truyền đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm thăm và tặng quà chùa Lưỡng Xuyên (ảnh Bá Thi)

Công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và quần chúng tín đồ các tôn giáo. Mỗi năm, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi các cơ sở tôn giáo tổ chức các lễ lớn như Lễ Khánh thành, Lễ Kiết giới Sima, Lễ Đại giới đàn, Đại lễ cầu siêu, Đại lễ Phật đản, Mừng Thiên chúa Giáng sinh, lễ Phục sinh, Hạ ngươn, Trung ngươn,… Hướng dẫn lập hồ sơ và giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo với thời gian ngắn hơn so với quy định. Trong sinh hoạt tôn giáo, một số tôn giáo đồng thời tuyên truyền tín đồ nên làm những việc tốt, việc thiện và giúp người, góp phần tích cực vào việc tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng người Kinh, Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tạo nên văn hóa đặc trưng, đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát huy tinh thần “Đoàn kết hòa hợp”, đồng hành cùng dân tộc, chung tay, chung sức, chung lòng góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

Lễ hội tôn giáo tại chùa Ông Mẹt (ảnh Anh Tuấn)

Đặc biệt, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo trong tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo chức sắc nhà tu hành như: Đào tạo và mở trường đào tạo chức sắc nhà tu hành; giúp đỡ các tôn giáo tổ chức các lễ hội đúng nghi thức truyền thống của tôn giáo và truyền thống văn hóa của dân tộc; tạo điều kiện cho nhiều lượt chức sắc được đi du học, đi tham quan du lịch ở nước ngoài. Trường Trung cấp Phật học tỉnh Trà Vinh được thành lập vào năm 1999, mỗi khóa có 40 đến 50 Tăng Ni theo học. Ngoài ra, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu học tập, sinh hoạt cho các vị tăng sinh, học sinh là con em đồng bào Khmer trong và ngoài tỉnh, năm 2014, UBND tỉnh quyết định thành lập Trường Trung cấp Pali – Khmer trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Năm 2019 khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở mới trường Trung cấp Paly- Khmer với tổng kinh phí xây dựng các hạng mục công trình là trên 44 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tạo mọi điều kiện để các tôn giáo mở rộng, thành lập cơ sở tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Từ đó, cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc, tín đồ của từng tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều tăng (cơ sở thờ tự năm 2003, có 331 cơ sở, đến năm 2017 có 359 cơ sở, năm 2019 có 370 cơ sở; chức sắc, chức việc năm 2003 có 2.197 người, đến năm 2017 có 3.031 người; đến năm 2019 có 4.373 người; tín đồ năm 2003 có khoảng 475.948 người, đến năm 2017 có khoảng 559.602 người, năm 2019 trên 596.000 người). Quy mô hoạt động của tôn giáo ngày càng được mở rộng; tính chất hoạt động cũng có chuyển biến tích cực.

Nhà thờ Phước Hảo (ảnh Bá Thi)

Tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để phát huy các giá trị tích cực của tôn giáo. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người khuyết tật; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Qua thực hiện đã xuất hiện nhiều cá nhân và tập thể tín đồ thực hiện tốt việc xã hội hóa giáo dục, công tác từ thiện nhân đạo như Trường Mẫu giáo và Tiểu học Tư thục Bình Minh của Công đoàn nữ tu Dòng thánh Phao Lô, thành phố Trà Vinh; Trung tâm bảo trợ xã hội của chùa Long Hòa, huyện Trà Cú; Nhà Dưỡng Lão chùa Liên Bửu, huyện Châu Thành… đã góp phần trong công tác an sinh xã hội ở địa phương và xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

Công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết đúng nguyên tắc và các quy định của pháp luật; kịp thời chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và địa phương xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không để kéo dài, gây phức tạp tình hình, về cơ bản các vụ việc sau khi được giải quyết, chức sắc và tín đồ các tôn giáo đều đồng thuận.

Công tác tôn giáo của tỉnh Trà Vinh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016). Tỉnh đã đề ra các giải pháp đúng đắn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người. Đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Làm tốt công tác chống các hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân, ngăn cản tín đồ, chức sắc các tôn giáo thực hiện nghĩa vụ công dân. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước.

Khánh Quỳnh

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT