Phong trào “Ba sẵn sàng” ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam có những chuyển biến mới khi Mỹ tìm cách can thiệp sâu vào tình hình Việt Nam, chuẩn bị đổ quân trực tiếp vào chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ hàng đầu, thiêng liêng nhất, quan trọng nhất của nhân dân hai miền Nam – Bắc, đòi hỏi huy động sức mạnh của thế hệ trẻ toàn quốc. Yêu cầu cách mạng lúc đó là phát động một phong trào để thu hút và huy động tối đa sự tham gia của thế hệ trẻ Hà Nội và toàn miền Bắc. Trong hoàn cảnh đó, gần 100 chi đoàn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dấy lên tinh thần xung phong nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng, Đoàn và Nhà trường giao phó.
Lễ phát động “Phong trào Ba sẵn sàng” của Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch. |
Đầu năm 1964, khởi đầu từ ý tưởng và đề xuất của sinh viên Khoa Ngữ văn, Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào “Tam bất kì” với ba nội dung cơ bản:
– Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến.
– Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu.
– Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.
Phong trào “Tam bất kì” sau đó được đổi tên thành “Ba bất kì”, nhận được sự ủng hộ của Đảng ủy và Ban Giám đốc Nhà trường. Dưới sự ủng hộ và chỉ thị của Bí thư Thành đoàn Hà Nội Vũ Hữu Loan, đồng chí Trịnh Ngọc Trình, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xác định việc mở rộng hoạt động của phong trào “Ba bất kì” và đổi tên phong trào cho mang tính thuần Việt hơn.
Ngày 30/4/1964, Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch. Trước anh linh của các liệt sĩ, hàng ngàn đoàn viên, sinh viên nhà trường hứa và hô vang ba lời thề:
– Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược!
– Sẵn sàng hi sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
– Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ!
Những lời thề danh dự trên đã thể hiện tâm thế, quyết tâm, khát vọng của tuổi trẻ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sẵn sàng chiến đấu, cống hiến, hi sinh vì nhiệm vụ cao cả của Đảng, Nhà nước, dân tộc là đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính những hoạt động ban đầu của thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã góp phần mở đầu phong trào cách mạng sôi nổi, hào hùng của lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam thế kỉ XX: Phong trào “Ba sẵn sàng”.
Tuổi trẻ Hà Nội hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”. |
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cách mạng, từ yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác Đoàn và phong trào thanh niên thủ đô, tối ngày 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bí thư Vũ Hữu Loan đã họp bất thường và quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với ba nội dung: sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần đến.
Tối ngày 9/8/1964, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên Hà Nội tham gia lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng (54 Hai Bà Trưng) do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Khí thế phong trào “Ba sẵn sàng” lên cao và hơn 8.000 thanh niên Hà Nội đăng kí nhập ngũ trong tuần đầu tiên phát động phong trào.
Cuối năm 1964, có hơn 200.000 lá đơn nhập ngũ của thanh niên Hà Nội. Năm 1965, 15.329 thanh niên gia nhập quân đội theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng”. Trung ương Đoàn sau đó chính thức phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trên toàn miền Bắc, trở thành phong trào tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam thế kỷ XX.
Như vậy, “Ba sẵn sàng” đã trở thành một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ tuổi trẻ Thủ đô, mà khởi đầu là từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó trở thành phong trào thi đua chung của đoàn viên, thanh niên cả nước.
Thanh niên miền Bắc hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, hăng hái lên đường nhập ngũ. |
Riêng sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” từ những ngày đầu phát động. Năm 1965, hàng trăm sinh viên tốt nghiệp khóa học Nguyễn Văn Trỗi (1962 – 1965) đã tình nguyện xin đi công tác và chiến đấu ở miền Nam. Mùa hè năm 1966, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thành lập “Đội Thanh niên Xung phong chống Mỹ cứu nước” gồm 109 thành viên, tham gia chiến đấu tại khu vực cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Tất cả thành viên của đội đều thể hiện tinh thần dũng cảm, được Ban Chỉ huy Trung đoàn Phòng không 248 tặng thưởng Huy hiệu “Chiến thắng 5-8”[1]. Đây là Đội Thanh niên Xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên và duy nhất trong số các trường đại học ở miền Bắc lúc đó [2].
Tiếp lửa phong trào “Ba sẵn sàng”, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã sôi sục khí thế “chống Mỹ, cứu nước”, tinh thần xung phong “đi B” (tức đi công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Nam). Phong trào thơ trẻ chống Mỹ trong văn học Việt Nam hiện đại có sự góp mặt với những gương mặt tiêu biểu của sinh viên nhà trường như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Tổng cộng, trong giai đoạn 1965 – 1975, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có 81 cán bộ giảng dạy và 2.155 sinh viên lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường miền Bắc, miền Nam và chiến trường các nước bạn Lào, Campuchia; hoặc tham gia Thanh niên Xung phong. Cùng với Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong hai trường đại học có số lượng cán bộ, sinh viên nhập ngũ lớn nhất trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng (Thanh Hoá) tháng 8/1966. |
Trong suốt cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, nhiều cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã “xếp bút nghiên ra trận” chiến đấu dũng cảm, anh dũng hi sinh trên khắp các chiến trường, để lại những tấm gương sáng ngời về sự cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước trường tồn. Tiêu biểu trong số đó: Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đặng Xuân Rương, em ruột của đồng chí Trường Chinh, là một trong những sinh viên gương mẫu, quyết tâm xin ra chiến trường. Cuối năm 1970, đồng chí Đặng Xuân Rương hi sinh anh dũng tại mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị. Trắc thủ tên lửa phòng không Nghiêm Xuân Danh – sinh viên khoa Lịch sử, nhập ngũ năm 1970, đã anh dũng hi sinh trên vị trí chiến đấu cùng đồng đội đánh trả cuộc tập kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội đêm 20, rạng sáng ngày 21/12/1972. Liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Có thể nói, với khởi điểm tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã được chính thức phát động bởi Thành đoàn Hà Nội và trở thành một trong những phong trào thanh niên tiêu biểu nhất Việt Nam thế kỷ XX. Đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn học theo tinh thần “Ba sẵn sàng” dù trong hoàn cảnh thời chiến hay hòa bình, luôn tiên phong đi đầu trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên. Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự là Đoàn trường đầu tiên được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2012.
——————————
[1] Huy hiệu kỷ niệm ngày đánh thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân và Bộ đội Phòng không Việt Nam trước cuộc tập kích đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc ngày 5/8/1964, đây cũng là ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
[2] Lê Hiến Chương, Lịch sử Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1951 – 2013), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.127.